2. Công tác xây dựng Đảng được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện toàn diện, đồng bộ, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm. Phương thức lãnh đạo của Đảng tiếp tục đổi mới, ngày càng toàn diện, sâu sắc và hiệu quả. Tỉnh ủy tập trung xây dựng Đảng bộ tỉnh vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Các chỉ tiêu xây dựng đảng và hệ thống chính trị đều đạt và vượt mục tiêu Đại hội đề ra. Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 7/11/2006, Chỉ thị 03-CT/TW ngày 14/5/2011, Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị và các quy định nêu gương của Đảng được chỉ đạo quyết liệt, bài bản, đạt nhiều kết quả quan trọng, được Trung ương đánh giá cao.
Công tác tư tưởng góp phần tạo sự đoàn kết trong Đảng, đồng thuận trong Nhân dân. Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đổi mới theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, không có “vùng cấm”. Công tác dân vận đổi mới theo hướng sát dân, sát cơ sở theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí được chỉ đạo triển khai quyết liệt, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị các cấp vững mạnh, trong sạch. Thực hiện tốt việc đối thoại, tiếp dân giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân. Hệ thống tổ chức đảng ngày càng được phát triển, củng cố, kiện toàn, khi mới tái lập tỉnh có 474 tổ chức cơ sở đảng với 3,7 vạn đảng viên, đến nay đã phát triển được 605 tổ chức cơ sở đảng với trên 7 vạn đảng viên.
3. Tổ chức sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ đạt nhiều kết quả quan trọng. Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh, thành phố đầu tiên trong cả nước xây dựng và triển khai thực hiện Đề án về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tỉnh giai đoạn 2016-2021 (Đề án số 01-ĐA/TU ngày 30/11/2016). Đề án được ban hành trước khi Trung ương ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và Nghị quyết số 19-NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập” gần 1 năm. Đến nay, toàn tỉnh giảm 01 đơn vị hành chính cấp xã; giảm 272 thôn, tổ dân phố; giảm 03 đơn vị trực thuộc UBND tỉnh, 208 phòng, ban và tương đương cấp tỉnh, cấp huyện; giảm 461 cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp so với thời điểm 30/11/2016; cắt giảm 2.796 biên chế và hỗ trợ thôi việc theo cơ chế của tỉnh cho 2.303 biên chế; tinh giản 11.473 người hoạt động không chuyên trách.
4. Thực hiện đột phá trong công tác cán bộ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Trọng tâm là đột phá trong công tác đào tạo, bồi dưỡng; thực hiện luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý và đánh giá cán bộ bằng sản phẩm. Từng bước đổi mới có hiệu quả công tác đánh giá cán bộ thông qua việc đánh giá đa chiều; từ năm 2013, tỷ lệ cán bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ luôn thấp hơn định mức tối đa theo quy đinh; đặc biệt thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, từ năm 2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thí điểm giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể cho bí thư, chủ tịch các huyện, thành ủy và lãnh đạo một số sở, ngành; trên cơ sở đó thực hiện đánh giá cán bộ bằng sản phẩm theo nội dung Quy định số 371-QĐ/TU, ngày 22/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đây được coi là bước đột phá để khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm trong đánh giá cán bộ.
5. Công tác xây dựng chính quyền, phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội thường xuyên được đổi mới và đi vào thực chất. Quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được tăng cường, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp được nâng lên; công tác cải cách tư pháp chuyển biến tích cực. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng đã có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động; thể hiện sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
6. Giai đoạn 1997 - 2021 đã chứng kiến nhiều thay đổi về địa giới hành chính tỉnh và các huyện, thành phố trực thuộc. Tháng 11/1996, kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX đã ra Nghị quyết tách tỉnh Vĩnh Phú thành 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ. Ngày 01/01/1997, tỉnh Vĩnh Phúc chính thức được tái lập và đi vào hoạt động. Khi tái lập, tỉnh có diện tích 1.370,73 km2, dân số 1,1 triệu người; có 6 huyện, thị (thị xã Vĩnh Yên, các huyện Lập Thạch, Tam Đảo, Vĩnh Tường, Yên Lạc, Mê Linh) với 148 xã, phường, thị trấn, trong đó có một huyện và 39 xã miền núi.
Đến Cuối năm 2003, thị xã Phúc Yên và huyện Tam Đảo được tái lập; năm 2008, huyện Mê Linh sáp nhập vào thủ đô Hà Nội; năm 2009, huyện Lập Thạch được chia tách thành 2 huyện: Lập Thạch và Sông Lô. Hiện Vĩnh Phúc có 2 thành phố: Vĩnh Yên, Phúc Yên và 7 huyện: Vĩnh Tường, Yên Lạc, Bình Xuyên, Tam Dương, Lập Thạch, Sông Lô, Tam Đảo với 136 xã, phường, thị trấn.
7. Kinh tế Vĩnh Phúc phát triển mạnh mẽ sau 25 năm tái lập. Tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn ở mức cao, có năm tăng trên 20%. Bình quân giai đoạn 1997 – 2021 tăng 13,42%/năm; chất lượng tăng trưởng được nâng cao, năng suất lao động đạt 212 triệu đồng/lao động/năm, tăng 20,5 lần so với năm 1997 (10,3 triệu đồng/lao động). Quy mô kinh tế ngày càng lớn, đến năm 2021 đạt 136,2 nghìn tỷ đồng tăng gấp 69,6 lần so với năm 1997 (năm 1997: 1,96 nghìn tỷ đồng), tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí ngày càng quan trọng của tỉnh trong vùng và cả nước.
8. GRDP bình quân đầu người liên tục tăng qua các năm, năm 2020, đạt 105,5 triệu đồng/người, đứng thứ 5/11 tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 10/63 tỉnh/thành phố trong cả nước; năm 2021 đạt 114,3 triệu đồng/người (khoảng 4.800 USD), cao gấp 52,5 lần so với năm 1997 (năm 1997: 2,18 triệu đồng/người).
9. Thu ngân sách nhà nước đạt cao, luôn vượt mục tiêu đề ra, với nhiều dấu mốc quan trọng và luôn nằm trong TOP các tỉnh có số thu ngân sách cao nhất của cả nước. Năm 1997 mới chỉ đạt hơn 100 tỷ đồng, đến năm 2002 vượt mốc 1.000 tỷ đồng, từ năm 2004 Vĩnh Phúc đã tự cân đối được chi ngân sách và đóng góp, điều tiết về ngân sách Trung ương; năm 2009 vượt mốc 10.000 tỷ đồng, năm 2014 vượt mốc 20.000 tỷ đồng và đến năm 2016 vượt mốc 30.000 tỷ đồng. Đặc biệt năm 2019 đạt trên 35.000 tỷ đồng, là tỉnh có số thu ngân sách đứng thứ 8 cả nước và thứ 4 vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; năm 2020 và năm 2021 mặc dù tác động của đại dịch Covid-19 nhưng tổng thu ngân sách của tỉnh vẫn đạt trên 32.000 tỷ đồng (trong đó thu nội địa đạt gần 28 nghìn tỷ đồng), gấp 282 lần so với số thu ngân sách của năm 1997. Số thu ngân sách tăng cao đã tạo điều kiện tăng nguồn lực đầu tư cho hạ tầng kinh tế xã hội và thực hiện các chính sách xã hội.
10. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Khu vực công nghiệp và xây dựng đạt mức tăng trưởng khá cao, giữ vai trò đầu tàu, động lực cho phát triển kinh tế và giữ tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu GRDP của tỉnh (năm 2021, chiếm đến 63,74%; năm 1997 là 18,4%). Hai khu vực kinh tế còn lại là dịch vụ và nông, lâm nghiệp, thủy sản đều theo hướng giảm, trong đó: Khu vực dịch vụ giảm từ 36,48% năm 1997 xuống 28,43% và khu vực nông, lâm thủy sản giảm từ mức 45,13% năm 1997 xuống còn 7,83% tổng giá trị tăng thêm các ngành kinh tế năm 2021.
11. Trong phát triển kinh tế - xã hội, phát huy đổi mới sáng tạo, quan tâm lãnh đạo, ban hành nhiều nghị quyết, chính sách, cơ chế đột phá, đặc biệt là về công nghiệp, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Phát huy truyền thống của quê hương “Khoán hộ” những năm 60 của thế kỷ XX, Vĩnh Phúc Ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU, ngày 01/11/2002 về chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp giai đoạn 2001- 2005; Nghị quyết số 03/NQ-TU, ngày 27/12/2006 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2006- 2010, định hướng đến năm 2020 - Đây được coi là Nghị quyết của “ý Đảng – lòng dân”, hướng tới một nền nông nghiệp tiên tiến, là một trong những cơ sở thực tiễn để Trung ương ban hành Nghị quyết 26-NQ/TW, ngày 5/8/2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và là tiền đề để tỉnh thực hiện Chương trình Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả cao. HĐND, UBND tỉnh đã cụ thể hóa những chủ trương của Tỉnh ủy bằng các cơ chế, chính sách như: Miễn thủy lợi phí cho sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ giáo dục mầm non; bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, cung cấp thông tin cho nông dân; hỗ trợ làm giao thông nông thôn; hỗ trợ vùng trồng trọt và xây dựng khu sản xuất tập trung; đầu tư kiên cố hóa kênh mương; cấp đất dịch vụ; hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề; hỗ trợ di dân tái định cư; hỗ trợ thu nhập cho nông dân, hỗ trợ đầu tư cho các xã, phường, thị trấn có đất nông nghiệp phải thu hồi cho phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Trong phát triển dịch vụ, du lịch đã ban hành Nghị quyết 01-NQ/TU ngày 4/11/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển dịch vụ, du lịch tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2011-2020. Trong phát triển công nghiệp đã ban hành nhiều Đề án, Kế hoạch, Nghị quyết quan trọng, trong đó có Nghị quyết 01-NQ/TU ngày 01/09/2016 của Ban Thường vụ về một số giải pháp cơ bản cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016-2021; Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 20/10/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI về đầu tư tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2025.
12. Thu hút đầu tư trở thành “điểm sáng” của cả nước. Ngay từ khi tái lập, Tỉnh uỷ, HĐND và UBND tỉnh đã xác định hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư là chìa khóa quan trọng để Vĩnh Phúc phát triển. Từ đó, Đảng bộ, chính quyền các cấp trong tỉnh đã có những hướng đi mang tính đột phá để trở thành “điểm sáng” của cả nước về công tác thu hút đầu tư. Năm 1997 thời điểm tái lập, tỉnh có 8 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và 1 dự án có vốn đầu tư trong nước (DDI) thì đến năm 2021 trên địa bàn tỉnh đã có 429 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký là 7,1 tỷ USD của 20 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh, trong đó có các quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật, các quốc gia Châu Âu và 824 dự án DDI với tổng vốn đầu tư là gần 110 nghìn tỷ đồng. Từ chỗ không có khu công nghiệp khi mới tái lập, đến nay tỉnh đã có 19 khu công nghiệp được quy hoạch, trong đó có 14 khu công nghiệp được cấp giấy chứng nhận đầu tư (có 08 KCN đi vào hoạt động).
13. Quy hoạch và phát triển đô thị được quan tâm đầu tư và đạt kết quả quan trọng, nhất là hệ thống hạ tầng khung đô thị Vĩnh Phúc. Công tác quy hoạch đô thị luôn đi trước một bước và được triển khai đồng bộ, thể hiện tầm nhìn của tỉnh đối với tương lai. Vĩnh Phúc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng đô thị Vĩnh Phúc, tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Hạ tầng khung đô thị được đầu tư từng bước hoàn thiện, diện mạo đô thị văn minh, hiện đại, vóc dáng thành phố trực thuộc Trung ương đang dần hiện hữu. Toàn tỉnh đã có gần 30 đô thị, trong đó, thành phố Vĩnh Yên là đô thị loại II được quy hoạch, đầu tư theo hướng hiện đại, xứng tầm là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của tỉnh; thành phố Phúc Yên là đô thị loại III, trở thành thành phố công nghiệp, du lịch dịch vụ và giáo dục của tỉnh.
14. Diện mạo nông thôn đổi thay toàn diện, Chương trình xây dựng nông thôn mới được quan tâm đạt kết quả quan trọng. Kinh tế nông nghiệp nông thôn chuyển biến rõ rệt theo hướng tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả; kết cấu hạ tầng nông thôn được xây dựng đồng bộ, khang trang; đời sống của người dân nông thôn ngày càng được cải thiện, nâng cao. Đến hết năm 2021 dự kiến toàn tỉnh có 100% số xã (105 xã) đạt chuẩn nông thôn mới, 11 xã nông thôn mới nâng cao, 36 thôn nông thôn mới kiểu mẫu, 5/9 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Huy động và tạo sự đồng thuận lớn trong nhân dân về chủ trương xây dựng, cải tạo, khắc phục ô nhiễm môi trường tại khu dân cư; đã vận động nhân dân đóng góp, ủng hộ tiền, ngày công trị giá gần 700 tỷ đồng, xây dựng 734,02 km cống rãnh thoát nước; chất lượng môi trường sống tại nhiều vùng nông thôn, khu dân cư trong toàn tỉnh được nâng lên, tạo hiệu ứng lan tỏa, đoàn kết trong toàn tỉnh.
15. Hệ thống cơ cở hạ tầng giao thông được cải thiện rõ rệt theo hướng đồng bộ, hiện đại. Khi mới tái lập, các tuyến đường quốc lộ chủ yếu là đá răm, cấp phối đến nay được nhựa hóa 100%; tuyến đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai chạy qua tỉnh với 5 nút giao đã, đang và sẽ là điều kiện thuận lợi để kết nối với các tỉnh phía Bắc và vùng đồng bằng Sông Hồng. Các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ được cứng hóa đạt 100%; các tuyến đường từ trung tâm hành chính tỉnh đến trung tâm huyện đều được mở rộng, cải tạo nâng cấp; kiên cố hóa được 95% tuyến giao thông nông (năm 1997 là 2,6%) và 65% giao thông nội đồng. Các tuyến giao thông quan trọng đã được hình thành, nâng cấp và mở rộng như: Đường từ cầu Bì La đi Lập Thạch; Đường Hợp Thịnh - Đạo Tú; Hợp Châu - Đồng Tĩnh; Văn Quán đi Sông Lô; Tây Thiên - Tam Sơn; Đường nối từ Đường Hợp Châu - Đồng Tĩnh đi Tây Thiên; Đường Tây Thiên - Bến Tắm; Đường vành đai 3; Đường QL2 đi cầu Phú Hậu; Mở rộng cầu Bì La… Hệ thống giao thông tĩnh như các bến xe, điểm đỗ xe buýt được đầu tư đáp ứng yêu cầu phát triển.
16. Nhiều dự án lớn, trọng điểm tạo điểm nhấn quan trọng trong không gian đô thị Vĩnh Phúc được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng đáp ứng nhu cầu sử dụng của Nhân dân, như: Văn Miếu tỉnh, Khu Trung tâm Văn hóa lễ hội Tây Thiên, Nhà hát tỉnh, Công viên Quảng trường Hồ Chí Minh, Nhà điều trị nội trú Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản - Nhi Vĩnh Phúc, Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc, Trung tâm Hội nghị quốc tế, Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc, Cầu Vĩnh Thịnh, Cầu Phú Hậu, Cầu Vĩnh Phú, Cầu Đầm Vạc, đường song song với đường sắt Hà Nội – Lào Cai, Khu công viên giải trí thành phố Vĩnh Yên; khu công viên cây xanh các huyện Lập Thạch, Tam Đảo, Vĩnh Tường, Yên Lạc; các khu du lịch: Tam Đảo, Tây Thiên, Đại Lải; hệ thống chiếu sáng Quốc lộ 2B.
17. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có bước phát triển vượt bậc cả về số lượng, quy mô, cơ cấu và chất lượng. Năm 1997 chỉ có 91 doanh nghiệp đăng ký hoạt động với số vốn 57 tỷ đồng, đến hết năm 2021, toàn tỉnh có trên 13 nghìn doanh nghiệp (tăng 141 lần so với năm 1997) với vốn đăng ký đạt trên 150 nghìn tỷ đồng. Các doanh nghiệp đang đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách, giải quyết việc làm.
18. Phát triển văn hóa, con người đạt nhiều kết quả quan trọng; thể thao quần chúng phát triển mạnh; thể thao thành tích cao có những bước tiến mới. Nhiều giá trị văn hóa dân tộc, di tích, di sản được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được quan tâm; đến nay toàn tỉnh có 91,84% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa, 93,85% thôn, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa. Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội có nhiều tiến bộ. Có 65 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 03 di tích xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt là: Di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh Tây Thiên -Tam Đảo, di tích kiến trúc nghệ thuật Tháp Bình Sơn, di tích kiến trúc nghệ thuật đình Thổ Tang. Vĩnh Phúc có 3 loại hình di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh vào danh sách của UNESCO (Hát ca trù, di sản Kéo song Hương Canh, Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt) và 5 di sản được đưa vào danh mục si sản văn hóa phi vật thể quốc gia (Lễ hội đền Ngự Dội, hát Soọng cô của người Sán Dìu, hát trống quân Đức Bác, tín ngưỡng thờ Mẫu Tây Thiên và Lễ hội xã Đại Đồng).
Các môn thể thao mũi nhọn của tỉnh trong những năm qua đã giành nhiều thành tích tại các kỳ thi đấu quốc gia, quốc tế như Đua thuyền, PenCak Silat, Bắn súng... Đội tuyển bóng chuyền nữ Bamboo Airways Vĩnh Phúc giành vị trí thăng hạng, tham gia thi đấu tại giải Vô địch Quốc gia năm 2022.
19. Giáo dục – đào tạo đạt nhiều thành tựu nổi bật, được đánh giá là một trong những tỉnh, thành có chất lượng giáo dục tốt nhất cả nước. Hệ thống mạng lưới trường lớp các cấp được quy hoạch và quan tâm đầu tư. Đến năm 2019 đã có 100% trường công lập đạt chuẩn quốc gia. Vĩnh Phúc là tỉnh thứ 5 của toàn quốc được công nhận đạt chuẩn phổ cập mẫu giáo 5 tuổi vào năm 2013 và đạt phổ cập tiểu học mức độ 2 năm 2014. Các chỉ số chung về giáo dục của toàn tỉnh đều vượt các tiêu chí do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Số lượng và chất lượng học sinh giỏi quốc gia ổn định ở mức cao so với các tỉnh, thành trong cả nước. Tính từ năm 1998 đến nay, tỉnh có 1.405 giải học sinh giỏi cấp quốc gia; 33 huy chương cấp khu vực và quốc tế, trong đó có 3 huy chương vàng, 7 huy chương bạc, 15 huy chương đồng các môn Toán học, Vật Lý, Sinh học,...
20. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân được đặc biệt quan tâm. Cơ sở vật chất ngành y tế được tăng cường, nâng cấp ở các tuyến; đã đầu tư Bệnh viện đa khoa tỉnh quy mô 1.000 giường bệnh, Bệnh viện Sản – Nhi quy mô 500 giường bệnh, các bệnh viện và Trung tâm y tế tuyến huyện; 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn đạt chuẩn. Đội ngũ y, bác sỹ thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân. Đến hết năm 2021, đạt tỷ lệ 39 giường bệnh/vạn dân, tăng 30,1 giường/vạn dân so với năm 1997; 14 bác sỹ/vạn dân, gấp 5,4 lần năm 1997. Chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh được cải thiện ở cả ba tuyến.
21. Công tác phòng, chống dịch đại Covid-19 được Trung ương và các tỉnh, thành phố đánh giá cao về cách làm và kết quả thực hiện. Là địa phương đầu tiên của Việt Nam ghi nhận ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2 vào đầu năm 2020, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung phòng chống, nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh Covid-19. Bằng các giải pháp linh hoạt, sáng tạo, công tác phòng chống dịch ở Vĩnh Phúc đã trở thành mô hình để các địa phương trong cả nước nghiên cứu, vận dụng. Đến thời điểm này, Vĩnh Phúc đã cơ bản khống chế được dịch, bảo vệ “vùng xanh”, thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
22. Bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống Nhân dân, nhất là giải quyết việc làm, giảm nghèo được đặc biệt quan tâm và đạt kết quả tích cực. Bình quân hàng năm giải quyết việc làm cho khoảng 20 nghìn lao động. Các chính sách xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nhất là các dịch vụ xã hội cơ bản (giáo dục, y tế, nhà ở, nước sinh hoạt, thông tin truyền thông) được quan tâm. Bình quân mỗi năm, ngân sách tỉnh hỗ trợ trên 300 tỷ đồng thực hiện chính sách cho các đối tượng. Toàn tỉnh không còn hộ nghèo thuộc đối tượng chính sách người có công. 100% các xã đạt tiêu chí tỷ lệ hộ nghèo trong xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2021 giảm còn 0,44%; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 93%; 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp bảo hiểm y tế miễn phí. 100% xã trên địa bàn được phủ điện lưới quốc gia và 100% hộ dân được dùng điện lưới; cáp quang đã đến 100% số thôn. Đặc biệt, ngày 12/3/2020, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TU về nâng cao thu nhập và phúc lợi của người dân Vĩnh Phúc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, góp phần tạo tiền đề vững chắc bảo đảm công tác an sinh xã hội, cải thiện nâng cao toàn diện đời sống, vật chất, tinh thần cho nhân dân, tạo động lực phát triển bền vững.
23. Công tác xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, thế trận lòng dân vững mạnh, sẵn sàng chiến đấu cao. Thực hiện tốt các kế hoạch, chiến lược của Đảng về quốc phòng; kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng, an ninh và kinh tế. Tỉnh chú trọng công tác quy hoạch và xây dựng thế trận quân sự, quốc phòng ngày càng vững chắc, hệ thống công trình phòng thủ liên hoàn, rộng khắp, có trọng tâm, trọng điểm, với hệ thống các đường hầm, công trình phụ trợ, đường cơ động, thao trường huấn luyện tổng hợp, trận địa pháo phòng không ngày càng đầy đủ, hợp thành hệ thống phòng thủ của Quân khu 2 và cả nước. Chỉ đạo tổ chức 3 cuộc diễn tập khu vực phòng thủ cấp tỉnh (năm 2009, năm 2016 và năm 2021), đặc biệt năm 2009 diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh làm điểm cho toàn quốc tham quan và chỉ đạo hàng chục cuộc diễn tập phòng thủ cấp huyện, hàng trăm cuộc diễn tập chiến đấu phòng thủ cấp xã và nhiều cuộc diễn tập ứng phó sự cố thiên tai tìm kiếm cứu nạn kết hợp diễn tập phòng thủ dân sự được đánh giá đạt loại giỏi.
24. An ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Luôn nắm chắc tình hình, chủ động phòng ngừa, không để phát sinh hoạt động chống phá, kích động biểu tình, gây rối an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh. Chủ động xây dựng và củng cố thế trận an ninh nhân dân, đấu tranh có hiệu quả âm mưu “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch, phản động. Bảo đảm an ninh chính trị - nội bộ, an ninh văn hóa - tư tưởng, an ninh dân tộc, tôn giáo, an ninh xã hội, an ninh kinh tế. Chuẩn bị các điều kiện ứng phó hiệu quả với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, như: thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu… Tập trung triển khai các giải pháp góp phần kiềm chế sự gia tăng của các loại tội phạm, làm giảm trọng án; đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm mới nổi lên, không để tội phạm hoạt động lộng hành, gây bức xúc trong nhân dân. Công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự được tăng cường, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về trật tự xã hội ngày càng được phát huy, nhất là quản lý xuất, nhập cảnh; quản lý cư trú; quản lý ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự. Chủ động, tích cực cùng các ngành thực hiện tốt các giải pháp kiềm chế tai nạn giao thông. Công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Tập trung phối hợp làm tốt công tác dân vận, xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với xây dựng nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân và thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác giữ gìn an ninh, trật tự trên địa bàn, nhất là ở cơ sở.
25. Hoạt động đối ngoại tiếp tục được mở rộng và ngày càng đi vào thực chất. Các hoạt động đối ngoại kinh tế, ngoại giao nhà nước, ngoại giao nhân dân được đổi mới và đi vào thực chất, hiệu quả cao, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao vị thế của tỉnh. Tăng cường, mở rộng quan hệ hợp tác, hữu nghị với các tỉnh Chungcheongbuk (Hàn Quốc), tỉnh Akita (Nhật Bản) và các tỉnh Bắc Lào. Chủ động mở rộng quan hệ hợp tác hữu nghị quốc tế; thu hút FDI, ODA, viện trợ phi Chính phủ đa dạng, thực chất và hiệu quả. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh các thời kỳ đã dẫn đầu nhiều đoàn đi công tác, xúc tiến đầu tư ở một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Hoa Kỳ, Đức, Anh, Pháp, Hà Lan, New Zealand, Australia, Ấn Độ, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất, Cộng hòa Nam Phi... Gần đây là chuyến tháp tùng và công tác Nhật Bản của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tham gia đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm và làm việc tại Nhật Bản từ ngày 22-25/11/2021. Đoàn lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai nhiều hoạt động đối ngoại và xúc tiến đầu tư quan trọng như: Ký hợp tác song phương giữa 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Tochigi; tham gia đối thoại với doanh nghiệp và các nhà đầu tư ở tỉnh Tochigi, tham dự Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam - Nhật Bản ở Tokyo với sự tham dự trực tiếp của hàng trăm doanh nghiệp Nhật Bản và tới 07 điểm cầu trên lãnh thổ Nhật Bản; làm việc với Lãnh đạo Tập đoàn Sumitomo để trao đổi về việc nghiên cứu triển khai Khu công nghiệp Sumitomo - Thăng Long 4 tại tỉnh Vĩnh Phúc.
( nguồn Trang thông tin điện tử Tỉnh ủy Vĩnh Phúc)