Kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập tỉnh Vĩnh Phúc
(12/02/1950 - 12/02/2025)
-----
I. ĐÔI NÉT VỀ TỈNH VĨNH PHÚC
1. Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên
Ngày 12-02-1950, tỉnh Vĩnh Phúc được thành lập trên cơ sở hợp nhất tỉnh Vĩnh Yên và tỉnh Phúc Yên. Diện tích tỉnh Vĩnh Phúc khi mới hợp nhất là 1.715km2, dân số 47 vạn người.
Ngày 26-01-1968, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết số 504/NQ-QH về hợp nhất tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Phú Thọ thành tỉnh Vĩnh Phú. Tỉnh Vĩnh Phú có diện tích 5.103km2, gần 1,3 triệu dân, trong đó có 9 vạn đồng bào các dân tộc thiểu số; các đơn vị hành chính gồm: Thành phố Việt Trì, 3 thị xã (Phú Thọ, Vĩnh Yên, Phúc Yên), 18 huyện, 4 thị trấn và 422 xã.
Sau gần 29 năm hợp nhất, tháng 11-1996, Quốc hội khoá IX kỳ họp thứ 10 đã ra Nghị quyết tách tỉnh Vĩnh Phú thành 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ. Tỉnh Vĩnh Phúc được tái lập và đi vào hoạt động từ ngày 01-01-1997. Khi tái lập, tỉnh có diện tích 1.370,73 km, dân số 1,1 triệu người; có 6 huyện, thị (thị xã Vĩnh Yên, huyện Lập Thạch, huyện Tam Đảo, huyện Vĩnh Tường, huyện Yên Lạc và huyện Mê Linh) với 148 xã, phường, thị trấn, trong đó có một huyện và 39 xã miền núi.
Sau nhiều lần thay đổi địa giới hành chính, đến nay tỉnh Vĩnh Phúc có diện tích tự nhiên hơn 1,2 km2, dân số trên 1,2 triệu người. Vĩnh Phúc tiếp giáp với 4 tỉnh, thành phố: phía Bắc giáp tỉnh Tuyên Quang và Thái Nguyên; phía Tây giáp tỉnh Phú Thọ; phía Nam giáp Hà Nội; phía Đông giáp hai huyện Sóc Sơn, Đông Anh- Hà Nội. Tỉnh có 9 đơn vị hành chính, trong đó có 2 thành phố là Vĩnh Yên và Phúc Yên; có 7 huyện: Vĩnh Tường, Yên Lạc, Bình Xuyên, Lập Thạch, Tam Dương, Tam Đảo, Sông Lô; với 136 xã, phường, thị trấn.
Địa hình Vĩnh Phúc đa dạng, vừa có đồng bằng, vừa có trung du và miền núi. Vùng đồng bằng có đồng đất phì nhiêu được bao quanh bởi các dòng sông Hồng, sông Lô, sông Đáy, sông Cà Lồ, là điều kiện thuận lợi để các huyện Vĩnh Tường, Yên Lạc và phía Nam huyện Bình Xuyên phát triển nông nghiệp. Vùng trung du đồi gò bát úp kéo dài từ huyện Lập Thạch qua thành phố Vĩnh Yên, huyện Bình Xuyên, thành phố Phúc Yên đất đai tuy kém màu mỡ nhưng có nhiều khả năng phát triển một số cây công nghiệp và cây ăn quả, hoa màu... Ngoài ra, với quỹ đất dồi dào và những điều kiện thuận lợi khác, đây còn là nơi thu hút các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, quy hoạch các khu công nghiệp lớn của tỉnh. Vùng rừng núi nằm ở phía Bắc tỉnh, trong đó có dãy núi Tam Đảo trùng điệp với ba ngọn Thạch Bàn, Thiên Nhị, Phù Nghĩa quanh năm xanh mát, tuy diện tích không lớn nhưng có giá trị kinh tế cao, nhất là Vườn Quốc gia Tam Đảo với độ che phủ rừng chiếm 90% diện tích, là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá, có giá trị to lớn trong bảo vệ môi trường, điều tiết và cung cấp nước, phục vụ nghiên cứu khoa học và du lịch, nghỉ dưỡng, cung cấp lâm sản, dược liệu.
Với vị trí địa lý và thủy văn thuận lợi, Vĩnh Phúc có nhiều tuyến đường giao thông thuỷ, bộ quan trọng chạy qua. Trong đó, đường bộ có Quốc lộ 2 (Hà Nội - Hà Giang) và đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; đường sắt có tuyến Hà Nội - Lào Cai; đường thuỷ trên sông Hồng, sông Lô. Ngoài ra, Vĩnh Phúc gần sân bay quốc tế Nội Bài, rất thuận lợi cho giao lưu phát triển kinh tế trong nước và quốc tế. Có thể nói, Vĩnh Phúc có vị trí chiến lược hết sức quan trọng không những về kinh tế mà cả về quân sự.
Vĩnh Phúc có lợi thế là vùng chuyển tiếp giữa đồng bằng sông Hồng với các tỉnh miền núi phía Bắc, vì vậy, tỉnh có điều kiện thuận lợi trong việc giao lưu hàng hoá, phát triển các loại hình dịch vụ, tiếp cận nhanh các thành tựu khoa học kỹ thuật trong công cuộc CNH, HĐH đất nước. Ngoài ra, thiên nhiên còn ưu đãi Vĩnh Phúc với nhiều cảnh quan và danh thắng kỳ thú (danh thắng Tây Thiên, khu du lịch Tam Đảo, hồ Đầm Vạc, hồ Đại Lải, hồ Xạ Hương…), cùng với nhiều di tích lịch sử, văn hoá và khảo cổ: Tháp Bình Sơn, đền thờ Trần Nguyên Hãn, khu di chỉ Đồng Đậu, cụm đền Hương Canh, đình Thổ Tang, hát soong cô, trống quân Đức Bác... là những tiềm năng lớn để tỉnh phát triển ngành “Công nghiệp không khói”.
Điều kiện tự nhiên thuận lợi, con người Vĩnh Phúc cần cù và sáng tạo, đó là những tiềm năng to lớn, quan trọng để nhân dân các dân tộc trong tỉnh phấn đấu xây dựng Vĩnh Phúc thành một tỉnh giàu có, phồn vinh như lời Bác Hồ đã căn dặn khi Người về thăm tỉnh năm 1963.
2. Đặc điểm, truyền thống lịch sử
Vĩnh Phúc là vùng đất có bề dày lịch sử với truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước, nơi hội tụ của nhiều dân tộc anh em với bản sắc văn hóa đa dạng. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước bền bỉ của dân tộc, nơi đây đã diễn ra những cuộc đấu tranh kiên cường, bất khuất, hết thế hệ này đến thế hệ khác chống lại thiên tai và giặc dã để sinh tồn và phát triển, góp phần làm nên một nền “Văn minh sông Hồng” rực rỡ. Vĩnh Phúc không chỉ tự hào là cội nguồn, là đất phát tích của dân tộc, mà bất kỳ ở giai đoạn lịch sử nào cũng có những đóng góp quan trọng vào sự sinh tồn của dân tộc, tạo nên những giá trị vật chất và tinh thần của xã hội, để lại dấu ấn đậm nét trong thiên nhiên, trong sinh hoạt xã hội, trong tính cách con người Vĩnh Phúc.
Ở mỗi một thời kỳ lịch sử, trên đất Vĩnh Phúc đều có những bậc hào kiệt giúp nước, giúp đời, làm rạng rỡ sử sách nước nhà. Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng trên đất Vĩnh Phúc từ năm 40 đến năm 43 sau công nguyên là mốc son mở đầu cho truyền thống bất khuất, kiên cường, quyết tâm giành độc lập của dân tộc Việt Nam. Tiếp nối, năm 546 nhân dân Vĩnh Phúc tham gia và ủng hộ tích cực nghĩa quân Lý Bí ở vùng Hồ Điển Triệt (Tứ Yên - Sông Lô) chống lại quân xâm lược nhà Lương. Dưới Thời Lý, huyện Vĩnh Tường có Nguyễn Văn Nhượng lập chiến công “Bình Ai Lao” ở biên giới miền Tây, huyên Yên Lạc có Phạm Công Bình dẹp giặc, giữ yên biên giới phía Nam. Sang Thời Trần, có bảy anh em họ Lỗ ở huyện Tam Đảo đã đánh bại quân Nguyên cố thủ ở làng Nhật Chiêu (Yên Lạc). Trong kháng chiến chống quân Minh, Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn (Sơn Đông - Lập Thạch) có công lớn trong chiến thắng lẫy lừng Xương Giang, Đông Quan. Đồng thời, việc học tập, thi cử rất được coi trọng. Từ thời Lý đến thời Nguyễn, Vĩnh Phúc có gần 100 người đỗ bậc đại khoa. Vĩnh Phúc cũng là quê hương của nhiều bậc công thần văn võ toàn tài, liêm minh, chính trực, đức độ, chức cao quyền trọng như Thượng thư Bộ lại Nguyễn Duy Thì, Thượng ngự sử-Lưỡng quốc Trạng nguyên Triệu Thái, Đô ngự sử và Thượng thư Bộ hộ Nguyễn Văn Chất...
Trong buổi đầu chống thực dân Pháp xâm lược, phong trào đấu tranh của nhân dân Vĩnh Phúc liên tiếp nổ ra dưới sự lãnh đạo của các văn thân, sĩ phu yêu nước, thành lập nhiều căn cứ kháng chiến tại các huyện Lập Thạch, Yên Lạc, Vĩnh Tường. Sử sách còn nhắc các cuộc khởi nghĩa ghi dấu ấn trên đất Vĩnh Phúc của nghĩa quân Hoàng Hoa Thám, Trịnh Văn Cấn, Lương Ngọc Quyến… Vào những năm 20 của thế kỷ XX, Nguyễn Thái Học (Thổ Tang - Vĩnh Tường) đã cùng một số người bạn thành lập tổ chức yêu nước Việt Nam Quốc dân Đảng và tiến hành khởi nghĩa vũ trang tại Yên Bái. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh Vĩnh Phúc đã bền bỉ, anh dũng, bất khuất đấu tranh giành nhiều thắng lợi oanh liệt. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ghi nhận thắng lợi của nhân dân Vĩnh Phúc trong Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, trận Khoan Bộ năm 1947, trận Xuân Trạch năm 1950, trận Núi Đinh năm 1951. Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, nhân dân Vĩnh Phúc vừa đẩy mạnh sản xuất, xây dựng XHCN ở miền Bắc, chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của địch, vừa chung vai gắng sức cùng miền Nam ruột thịt đấu tranh chống Mỹ, bắn rơi chiếc máy bay thứ 4.000 của Mỹ tại Tiền Châu – Phúc Yên; ghi danh tấm gương hy sinh anh dũng của nhiều thế hệ thanh niên Vĩnh Phúc như: Trần Cừ, Chu Văn Khâm, Nguyễn Viết Xuân… Cũng trong thời kỳ này, Vĩnh Phúc được biết đến với những bước đột phá quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, đó là mô hình “khoán hộ” do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc khởi xướng, cùng thực tiễn sản xuất tại địa phương đã đóng góp những kinh nghiệm có giá trị đối với sự nghiệp đổi mới cơ chế kinh tế của toàn quốc.
Những truyền thống quý báu đó là những giá trị bền vững để nhân dân Vĩnh Phúc viết tiếp những trang sử vẻ vang của quê hương trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và phát triển kinh tế-xã hội.
II. DƯỚI SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG NHÂN DÂN VĨNH PHÚC TIẾN HÀNH CÁCH MẠNG THÁNG TÁM VÀ KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP THẮNG LỢI (1930 - 1954)
Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Vĩnh Phúc là nơi sớm tiếp thu ánh sáng cách mạng của Đảng, trên cơ sở đó, tổ chức Đảng lần lượt được ra đời như: Chi bộ đồn điền Đa Phúc ra đời tháng 3-1933, chi bộ đồn điền Tam Lộng ra đời tháng 10-1933, chi bộ Vĩnh Tường ra đời tháng 8-1938, chi bộ Dẫn Tự - Hoà Lạc ra đời năm 1939...
Khi phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh ngày 15-8-1945, dưới sự lãnh đạo của các tổ chức Đảng, các địa phương trong tỉnh đã chớp thời cơ đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 17-8-1945 khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Lập Thạch; ngày 18-8-1945 khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Đông Anh, Bình Xuyên; ngày 19-8-1945 khởi nghĩa thắng lợi ở Kim Anh, Đa Phúc; ngày 20-8-1945 khởi nghĩa thắng lợi ở Yên Lãng; ngày 21-8-1945 khởi nghĩa thắng lợi ở huyện Vĩnh Tường; ngày 22-8-1945 khởi nghĩa thắng lợi ở huyện Yên Lạc; ngày 24-8-1945 khởi nghĩa thắng lợi ở huyện Tam Dương. Như vậy, đến ngày 24-8-1945 khởi nghĩa giành chính quyền ở cấp huyện trong tỉnh đã cơ bản hoàn thành.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thắng lợi có phần đóng góp quan trọng của nhân dân các dân tộc Vĩnh Phúc. Trang sử vàng Cách mạng tháng Tám mãi mãi là niềm tự hào, là bài học quý đối với Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh. Đảng bộ mới tròn 5 tuổi (1940-1945) đã lãnh đạo nhân dân phối hợp cùng cả nước làm nên Cách mạng Tháng Tám huy hoàng. Kết quả đó là sự vận dụng sáng tạo đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng vào thực tiễn địa phương. Đó là kết quả của việc xây dựng thành công Mặt trận Việt Minh ngày càng rộng lớn, đảm nhiệm công việc vận động và lãnh đạo quần chúng đấu tranh quyết liệt với kẻ thù. Nhân tố hết sức quan trọng khác để làm nên thắng lợi còn là truyền thống yêu nước, kiên cường, bất khuất của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, khi có sự lãnh đạo của Đảng, truyền thống ấy càng được bồi dưỡng và phát huy cao độ.
Sau Cách mạng tháng Tám thành công, cùng với việc khắc phục nhiều khó khăn do chế độ cũ để lại, nhân dân Vĩnh Phúc đã tranh thủ thời gian hòa bình của những năm đầu kháng chiến, tích cực chuẩn bị về mọi mặt cho cuộc kháng chiến lâu dài. Đến năm 1948, Vĩnh Phúc đã xây dựng được 122 làng kháng chiến có đầy đủ hầm tránh máy bay, hầm bí mật, hầm cất giấu tài sản. Trong đó làng Minh Đức, Tuân Chính, Cao Đại (Vĩnh Tường), làng Thanh Lãng (Bình Xuyên), làng Hiệp Lực (Yên Lạc), làng Yên Dương (Lập Thạch) được tỉnh công nhận là làng kháng chiến kiểu mẫu.
Sau hơn 2 năm xâm lược, quân Pháp đã vấp phải sự kháng cự quyết liệt của quân và dân ta, thất bại lớn nhất của địch là cuộc tấn công lên Việt Bắc thu đông năm 1947 đã làm phá sản chiến lược đánh nhanh, thắng nhanh của chúng. Góp phần vào thắng lợi ấy, quân và dân Vĩnh Phúc có nhiều đóng góp trên mặt trận sông Lô, đã bắn chìm một tàu chiến và một ca nô của địch tại ghềnh Khoan Bộ ngày 23-10-1947.
Từ cuối năm 1949 trở đi, cuộc kháng chiến trên địa bàn tỉnh trở nên gay go, ác liệt, liên tục phải đối phó với âm mưu bình định, càn quét đánh phá liên tục của địch. Để đáp ứng yêu cầu của cuộc kháng chiến, quân và dân trong tỉnh đã tạo ra địa bàn kháng chiến rộng lớn, có vùng hậu phương vững chắc, tạo cơ sở cho cuộc đấu tranh vùng địch hậu thắng lợi. Căn cứ vào vị trí địa lý và mối quan hệ nhiều mặt của nhân dân 2 tỉnh Vĩnh Yên và Phúc Yên trong lịch sử, Chính phủ đã ra Nghị quyết số 03 ngày 12-2-1950 về việc hợp nhất 2 tỉnh Vĩnh Yên và Phúc Yên thành tỉnh Vĩnh Phúc. Hội nghị hợp nhất được tiến hành ở thôn Sơn Kịch xã Hợp Lý (nay là xã Quang Sơn, huyện Lập Thạch). Tỉnh Vĩnh Phúc ra đời với diện tích 1.715km2 và 47 vạn dân, có 18.758 đảng viên đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ trong giai đoạn mới của cuộc kháng chiến.
Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, trong 9 năm kháng chiến (1946-1954) đặc biệt là từ năm 1950-1954 quân và dân Vĩnh Phúc đã vượt qua những khó khăn gian khổ, hy sinh và đã lập được nhiều chiến công xuất sắc như đánh bại những trận càn quét lớn của địch vào vùng tự do Lập Thạch. Ở vùng tạm chiếm trong những chiến dịch lớn như tổng phá tề năm 1950, mở rộng khu du kích vùng địch hậu từ năm 1951 đến năm 1953 và phối hợp với chiến trường chính như chiến dịch Trần Hưng Đạo, Hoàng Hoa Thám, Quang Trung, Hòa Bình, Tây Bắc và chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ… Quân dân Vĩnh Phúc đã liên tục giành được những chiến thắng vẻ vang, tiêu diệt được nhiều sinh lực địch, giữ vững được các khu du kích, đồng thời lực lượng ta càng đánh càng thắng và trưởng thành nhanh chóng về mọi mặt. Từ đầu năm 1954 trở đi, quân dân Vĩnh Phúc liên tiếp tiến công địch đã giải phóng được nhiều vùng đất đai trong tỉnh.
Ngày 20-7-1954, Hiệp định Giơnevơ về lập lại hòa bình ở Việt Nam và Đông Dương được ký kết. Ngày 27- 7 ngừng bắn toàn bộ trên chiến trường 3 nước Đông Dương. Như vậy, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta đã giành được thắng lợi hoàn toàn. Trong 9 năm kháng chiến, quân dân Vĩnh Phúc đã đóng góp xứng đáng sức người, sức của để làm nên chiến thắng.
Về sản xuất và đóng góp: Toàn tỉnh đã phá hoang 16.420 mẫu ruộng vành đai trắng để sản xuất. Đóng góp hàng trăm tấn lương thực, hàng chục tấn thực phẩm để phục vụ kháng chiến. Huy động 15 triệu ngày công xây dựng làng chiến đấu. Phá trên 200km đường giao thông, đóng góp 45.700 dân công (gần 1 triệu ngày công) phục vụ từ chiến dịch Hòa Bình đến chiến dịch Điện Biên Phủ.
Về chiến đấu: Quân và dân Vĩnh Phúc đã đánh địch 6.122 trận lớn nhỏ, trong đó có những trận nổi tiếng được đi vào lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam như trận Khoan Bộ (Sông Lô) trên dòng sông Lô thu đông 1947; trận Xuân Trạch (Lập Thạch) tháng 12-1950; trận núi Đinh (Vĩnh Yên) tháng 1-1951. Trong 9 năm kháng chiến Vĩnh Phúc đã tiêu diệt 15.887 tên địch, bắn bị thương 3.957 tên, bắt sống 6.590 tên, bức hàng 2.070 tên, địch ngụy vận 8.767 tên. Thu 47 đại liên, 26 súng cối các loại, 197 trung liên, 609 tiểu liên, 6.157 súng trường, 79 súng ngắn, 69 máy rađiô, 16 máy dò mìn, 28 máy điện thoại, 445 xe đạp, 5 mô tô, 9 xe vận tải, 3 xe Zép, 46 tấn đạn, 13 tấn quân dụng. Phá hủy 209 tháp canh, 10 đại bác, 178 đại liên, trung liên, 2 tàu chiến, 4 ca nô, 13 xuồng máy, 18 máy dò mìn, 285 xe cơ giới các loại, 2.190 tấn đạn.
Với những đóng góp to lớn trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược (1946-1954), Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Phúc được Quốc hội và Chính phủ tặng thưởng 4.191 Huân chương, 14.768 Huy chương các loại và hàng nghìn Bằng khen cho các đơn vị, cá nhân.
III. NHÂN DÂN VĨNH PHÚC KHÔI PHỤC, PHÁT TRIỂN KINH TẾ THEO ĐỊNH HƯỚNG XHCN (1955 - 1965)
Sau khi kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, cách mạng Việt Nam bước sang giai đoạn mới. Đảng ta chủ trương đưa miền Bắc quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, làm hậu phương để nhân dân miền Nam tiếp tục đấu tranh chống đế quốc và tay sai, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ, tiến tới thống nhất Tổ quốc. Nhiệm vụ của miền Bắc, trong đó có nhiệm vụ của Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Phúc, được xác định là hàn gắn vết thương chiến tranh, tập trung khôi phục, cải tạo và từng bước phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, hoàn thành cải cách ruộng đất và cải tạo xã hội chủ nghĩa.
Bước vào thực hiện nhiệm vụ mới, nhân dân Vĩnh Phúc gặp nhiều khó khăn, phức tạp. Bằng nhiều biện pháp đúng đắn như vận động nhân dân tăng gia sản xuất, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau và Nhà nước hỗ trợ một phần, nên trong thời gian ngắn, nạn đói được đẩy lùi. Bên cạnh việc chống đói, nhân dân trong tỉnh còn tập trung củng cố, xây dựng lại nhà cửa, sửa sang đường làng, ngõ xóm làm cho bộ mặt làng quê thay đổi từng ngày. Những kết quả đạt được trong những năm khôi phục kinh tế, phát triển văn hóa, bước đầu ổn định đời sống nhân dân, tình hình chính trị và xã hội ổn định, nhân dân phấn khởi tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cải tạo nền kinh tế theo hướng XHCN. Các phong trào xây dựng hợp tác xã, tham gia tổ đổi công, làm thủy lợi, chống hạn, đắp đê, khai hoang phục hóa... diễn ra sôi nổi, đạt kết quả cao.
Từ năm 1958 phong trào hợp tác hóa nông nghiệp ở Vĩnh Phúc bắt đầu thực hiện đại trà theo sự chỉ đạo của Trung ương. Một số hợp tác xã được xây dựng đã trở thành điển hình tiên tiến như: Hợp tác xã Lai Sơn, xã Cộng Hòa (nay là phường Đồng Tâm, thành phố Vĩnh Yên) có nhiều thành tích vận động nông dân vào hợp tác xã. Đến cuối năm 1960, trong toàn tỉnh đã căn bản hoàn thành cải tạo XHCN đối với nông nghiệp, thủ công nghiệp và thương nghiệp nhỏ bằng con đường hợp tác hóa. Đối với nông nghiệp, ngành kinh tế chủ yếu của tỉnh, đã xây dựng được 1.350 hợp tác xã, thu hút 107.944 hộ nông dân (chiếm 92,68% tổng số hộ nông dân toàn tỉnh) vào HTX. Đối với thủ công nghiệp và thương nghiệp đã đưa 14.559 thợ thủ công, 5.393 hộ vào làm ăn trong các loại hình hợp tác xã, tổ chức kinh doanh phục vụ.
Như vậy, công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa đã cơ bản hoàn thành, Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Phúc đã thu được những thành quả rất quan trọng. Tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản được phục hồi nhanh chóng. Công nghiệp địa phương tuy nhỏ bé do mới hình thành nhưng đã đặt nền móng cho sự phát triển trong tương lai. Đời sống kinh tế, văn hóa của nhân dân từng bước được cải thiện. Giai cấp nông dân được giải phóng đã trở thành người làm chủ ở nông thôn.
Thắng lợi của công cuộc khôi phục kinh tế và cải tạo xã hội chủ nghĩa đã dẫn đến những chuyển biến căn bản về mặt xã hội; công tác củng cố, xây dựng hệ thống chính trị cũng đã được đẩy mạnh; tạo nên động lực chính trị quan trọng đưa sự nghiệp cách mạng của nhân dân các dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc bước vào giai đoạn mới vững vàng hơn, đó là thời kỳ thực hiện kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ nhất (1961-1965) theo tinh thần Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng (9-1960).
Với sự nỗ lực vượt qua khó khăn, sự đoàn kết, thống nhất, Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Phúc đã giành được những thành tích đáng tự hào. Kinh tế nông nghiệp, công nghiệp phát triển tương đối khá, các mặt văn hóa, xã hội cũng có những chuyển biến tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Quan hệ sản xuất mới được củng cố và từng bước được hoàn thiện; quy mô hợp tác xã nông nghiệp bình quân 161 hộ/hợp tác xã, có 97% số hợp tác xã là bậc cao. Trình độ dân trí được nâng lên, nhiều vấn đề xã hội được quan tâm đúng mức, bộ mặt nông thôn và thành thị có nhiều thay đổi. Một trong những kết quả nổi bật trong thời kỳ thực hiện kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ nhất là có rất nhiều phong trào thi đua trên tất cả các lĩnh vực, ở mọi cấp, mọi ngành trên toàn miền Bắc và trong tỉnh, từ đó tạo nên động lực tinh thần rất to lớn. Trong nông nghiệp có phong trào thi đua “Đuổi kịp và vượt hợp tác xã Đại Phong” (tỉnh Quảng Bình), xã viên đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu “Trai gái Đại Phong”; công nghiệp có phong trào “Vượt sóng Duyên Hải” - một điển hình của Hải Phòng; trong quân đội, thi đua giành cờ “Ba nhất”; ngành giáo dục có phong trào thi đua “Tiếng trống Bắc Lý” - điển hình của tỉnh Hà Nam. Các phong trào thi đua đoàn thể cũng rất sôi nổi: Hội phụ nữ có phong trào thi đua “Năm tốt”, phụ lão thi đua “Năm giỏi”, toàn dân tham gia trong phong trào chung đạt danh hiệu “Năng suất cao, hoa màu nhiều, chăn nuôi giỏi”... trên địa bàn tỉnh có các phong trào thi đua điển hình như: HTX Lai Sơn (Thanh Vân) sản xuất giỏi; HTX Lạc Trung (Bình Dương) trồng cây nổi tiếng toàn miền Bắc; HTX Hòa Loan (Vĩnh Tường) có nhiều thành tích trong chăn nuôi gia súc được đồng chí Lê Duẩn về thăm động viên; Phù Lập điển hình về làm phân; Phương Trù có nhiều thành tích làm thủy lợi và kiến thiết đồng ruộng… Các phong trào thi đua đã tạo động lực tinh thần vô cùng to lớn để nhân dân Vĩnh Phúc vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Kết quả thực hiện kế hoạch nhà nước 5 năm lần thứ nhất (1961-1965), cả ba chỉ tiêu chủ yếu là năng suất, diện tích và sản lượng cây trồng đều tăng so với những năm trước. Năm 1963, sản lượng lương thực quy thóc đạt 231.312 tấn, tăng 3,18% (bằng 7.133 tấn) so với năm 1962, trong đó riêng thóc tăng 2,33%; năm 1964 đạt 256.740 tấn, vượt kế hoạch 4,39%, tăng 27.320 tấn so với năm 1963; năm 1965 đạt 257.173 tấn, trong đó riêng thóc đạt 197.945 tấn bằng 101,5% kế hoạch, tăng 2,7% so với năm 1964. Giá trị tổng sản lượng nông nghiệp năm 1964 tăng 37,3% so với năm 1960. Đáng phấn khởi là từ năm 1963 đến 1965, Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh dẫn đầu toàn miền Bắc về sản xuất lương thực, trồng cây, làm thuỷ lợi và phong trào hợp tác hoá nông nghiệp, đặc biệt là về năng suất lúa.
IV. NHÂN DÂN VĨNH PHÚC VỪA XÂY DỰNG CNXH VỪA KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ CỨU NƯỚC GIÀNH THẮNG LỢI (1965 - 1975)
Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất chưa kịp tổng kết thì chiến tranh xảy ra, Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Phúc lại phải đương đầu với cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Hòa chung khí thế quyết tâm đánh thắng đế quốc Mỹ trong bất kỳ tình huống chiến tranh nào của quân dân miền Bắc, quân dân Vĩnh Phúc với truyền thống cách mạng vẻ vang đã xiết chặt đội ngũ trong tư thế “Tay cày tay súng”, “Tay búa tay súng”, thanh niên hăng hái trong phong trào “3 sẵn sàng”, phụ nữ “3 đảm đang” quyết tâm bảo vệ vững chắc những thành quả xây dựng CNXH, đồng thời tích cực chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam.
Ngày 10-9-1966, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã ra Nghị quyết số 68-NQ/TU “Về một số vấn đề quản lý lao động trong HTX nông nghiệp hiện nay”- đánh dấu sự ra đời “Khoán hộ” (tiến hành khoán việc cho lao động, cho hộ, cho nhóm trong HTX nông nghiệp) ở Vĩnh Phúc. Từ đó đã tạo nên động lực mới cho nhiều HTX vươn lên đạt năng suất cao, trở thành điển hình tiên tiến của tỉnh. Tổng kết năm 1967, Ủy ban hành chính tỉnh công bố bảng vàng đạt trên 6 tấn thóc/ha cả năm gồm các huyện: Vĩnh Tường (10 HTX); Yên Lạc (5 HTX) và Tam Dương (2 HTX). Bảng vàng 7 tấn gồm 4 HTX của xã Tuân Chính, huyện Vĩnh Tường là Thôn Trung, Thôn Thượng, Phù Lập và Cao Bình. Nhiều HTX được chọn làm điểm về “Khoán hộ” để nhân rộng, giới thiệu với các địa phương khác trong toàn tỉnh đến thăm và học tập. Do nhiều HTX đạt năng suất cao nên đến năm 1967, tổng sản lượng lương thực quy thóc đạt 222.000 tấn, tăng so với năm 1966 trên 4.000 tấn.
Chủ trương “Khoán hộ” đã làm thay đổi căn bản đời sống của người nông dân ở nông thôn trong tỉnh, từng bước thúc đẩy nền sản xuất nông nghiệp phát triển, đáp ứng yêu cầu trong tình hình vừa sản xuất, vừa chiến đấu và chi viện cho tiền tuyến miền Nam đánh Mỹ. Với những kết quả đạt được sau khi đưa chủ trương “Khoán hộ” vào thực tiễn, đã chứng tỏ tính phù hợp, tiến bộ, sáng tạo trong đổi mới tư duy quản lý lao động hợp tác xã nông nghiệp lúc đó và sau này. Đồng thời, chủ trương “đi trước thời gian” đó trở thành một trong những căn cứ, cơ sở thực tiễn để Đảng ta nghiên cứu, đổi mới cơ chế quản lý kinh tế nông nghiệp về sau. Thắng lợi trên mặt trận nông nghiệp có ý nghĩa rất lớn đối với việc đảm bảo đời sống nhân dân và làm nghĩa vụ với Nhà nước. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Vĩnh Phúc đã hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ hậu phương, cung cấp hàng vạn tấn lương thực, thực phẩm và hàng vạn người con Vĩnh Phúc lên đường ra chiến trường, được Chính phủ khen ngợi.
Không chỉ sản xuất giỏi, trong phục vụ chiến đấu và chiến đấu, quân dân Vĩnh Phúc cũng đạt được những thành tích rất vẻ vang. Ngay từ năm 1965, Vĩnh Phúc đã tiếp nhận nhiều cơ quan, trường học, các vụ, viện, đơn vị quân đội, kho tàng của Trung ương, Quân đội, thủ đô Hà Nội sơ tán về địa phương. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng nhân dân Vĩnh Phúc vẫn dành đất đai, nhà cửa, phương tiện giúp đỡ các cơ quan, đơn vị sơ tán đến, ăn ở và làm việc. Nhân dân các địa phương còn bỏ ra hàng nghìn ngày công, ủng hộ nhiều nguyên vật liệu, tranh tre, nứa, lá để các cơ quan, đơn vị xây dựng trụ sở làm việc và kho tàng.
Cùng với nhiệm vụ giúp đỡ các cơ quan, đơn vị sơ tán đến, quân dân Vĩnh Phúc còn bỏ ra hàng triệu ngày công để đào hầm, hào phòng tránh máy bay tại gia đình, trên các trục đường, nơi công cộng như: Trường học, trạm, trại, cửa hàng, trụ sở và cả trên đồng ruộng, đảm bảo giao thông liên lạc, giải quyết hậu quả sau mỗi trận địch đánh phá… Tất cả các hoạt động được thực hiện theo quy định quân sự hóa. Mọi người, mọi nhà đều sẵn sàng tư thế phòng tránh, đánh địch.
Nhân dân và lực lượng dân quân, du kích ở nhiều địa phương còn tham gia xây dựng hàng chục trận địa pháo cao xạ, tên lửa cho bộ đội chủ lực. Đặc biệt, quân dân các huyện xung quanh sân bay Nội Bài đã đóng góp hàng vạn ngày công để san lấp hố bom, sửa chữa gấp sân bay khi bị địch bắn phá.
Về chiến đấu, với ý chí quyết chiến quyết thắng bằng sức mạnh của chiến tranh nhân dân, trong 2 lần chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, quân dân trong tỉnh đã phối hợp với bộ đội chủ lực đóng trên địa bàn tỉnh đánh địch 783 trận, bắn rơi 120 máy bay Mỹ, trong đó có 2 chiếc pháo đài bay B52; 1 chiếc F111 (cánh cụp cánh xòe) là loại máy bay hiện đại nhất của Mỹ lúc đó. Trong đó, bộ đội cao xạ của tỉnh bắn rơi 4 chiếc, dân quân tự vệ bắn rơi 3 chiếc, có 1 chiếc là F111.
Chính sách hậu phương quân đội được quan tâm thực hiện với sự cố gắng cao nhất; các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh được giữ vững, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Với tiền tuyến, thực hiện khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” của Đảng, quân và dân Vĩnh Phúc đã thực hiện khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” và đã hoàn thành xuất sắc mọi nghĩa vụ đóng góp của hậu phương đối với tiền tuyến.
Ngày 26-1-1968, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết số 504/NQ-QH về hợp nhất tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Phú Thọ thành tỉnh Vĩnh Phú. Tỉnh Vĩnh Phú có diện tích 5.103km2, gần 1,3 triệu dân, trong đó có 9 vạn đồng bào các dân tộc thiểu số; các đơn vị hành chính gồm: Thành phố Việt Trì, 3 thị xã (Phú Thọ, Vĩnh Yên, Phúc Yên), 18 huyện, 4 thị trấn và 422 xã. Mặc dù hợp nhất giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang diễn ra ác liệt, nhưng Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ quan trọng, góp phần vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Giai đoạn 1968-1975, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp của tỉnh có bước tiến dài hơn so với trước. Cả tỉnh và nhiều huyện, thị xã, xã, HTX đạt 5 tấn thóc/ha cả năm trở lên, đặc biệt có các huyện Vĩnh Tường, Yên Lạc, Bình Xuyên, thị xã Phúc Yên, Vĩnh Yên đạt trên 6 tấn thóc/ha. Năm 1974, tổng sản lượng lương thực quy thóc của tỉnh Vĩnh Phú đạt 456.977 tấn, tăng 5,3% so với kế hoạch. Phong trào hợp tác hoá có chuyển biến, hợp tác xã được củng cố, chế đệ sở hữu tập thể trong HTX được tăng cường. Đến đầu năm 1975, quy mô HTX được mở rộng, toàn tỉnh Vĩnh Phú còn 974 HTX, thu hút 98,9% số hộ nông dân vào HTX, trong đó có 162 HTX toàn xã.
Trong 10 năm chống Mỹ cứu nước (1965-1975), tỉnh Vĩnh Phú (trong đó có tỉnh Vĩnh Phúc) đã động viên 145.437 thanh niên lên đường nhập ngũ. Ngoài ra, toàn tỉnh có 3.850 thanh niên hoạt động trong các đội thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước, phục vụ trên các chiến trường.
Ngày 30-4-1975, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã toàn thắng. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã giành thắng lợi hoàn toàn. Với những đóng góp to lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc, quân và dân Vĩnh Phú, (trong đó có Vĩnh Phúc) được Quốc hội, Chính phủ tặng nhiều phần thưởng cao quý: 2 Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; 1 Huân chương Chiến công hạng Nhất; 42.174 người được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ các loại; 67.803 người được tặng thưởng Huy chương Kháng chiến chống Mỹ các loại...
V. NHÂN DÂN VĨNH PHÚC XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC VIỆT NAM XHCN (1976-NAY)
1. Thời kỳ 1976-1996 (tỉnh Vĩnh Phú)
Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Vĩnh Phú cùng nhân dân cả nước thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Trong những năm 1976-1996, mặc dù đất nước phải trải qua muôn vàn khó khăn, song dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã đoàn kết một lòng vượt qua thử thách, giành được những thành tựu rất quan trọng. Kinh tế phát triển tương đối toàn diện và đạt mức tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ tăng lên, nông, lâm nghiệp giảm xuống; cơ chế kinh tế mới được khẳng định và đem lại hiệu quả rõ rệt. Nhiều công trình quan trọng được xây dựng và đưa vào sử dụng phục vụ đắc lực nền kinh tế, xã hội của tỉnh. Công tác quốc phòng được củng cố, an ninh chính trị được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội có những mặt tiến bộ. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền và các đoàn thể nhân dân có sự đổi mới bước đầu. Đời sống vật chất, tinh thần của các tầng lớp nhân dân được cải thiện.
Ghi nhận những kết quả đạt được, năm 1985 nhân kỷ niệm 40 năm Cách mạng tháng Tám, Hội đồng Nhà nước tặng nhân dân các dân tộc, cán bộ chiến sỹ tỉnh Vĩnh Phú (trong đó có Vĩnh Phúc) Huân chương Sao vàng.
2. Thời kỳ 1997 đến nay (tái lập tỉnh Vĩnh Phúc)
Ngày 01-01-1997, tỉnh Vĩnh Phúc được tái lập. Khi mới tái lập, Vĩnh Phúc là một tỉnh nghèo, thuần nông với bộn bề công việc và khó khăn. Tỉnh vừa phải sắp xếp tổ chức cán bộ vừa chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong hoàn cảnh xuất phát điểm của nền kinh tế còn ở mức thấp, thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 48% bình quân cả nước, công nghiệp nhỏ bé, chậm phát triển, một số doanh nghiệp liên doanh có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp đang trong quá trình xây dựng và hoạt động bước đầu như: Công ty Toyota, công ty Honda. Sản xuất nông nghiệp gặp thiên tai ảnh hưởng khá lớn đến kết quả sản xuất và đời sống. Thu ngân sách trên địa bàn còn rất hạn hẹp, đời sống nông dân nông thôn còn nhiều khó khăn; tình trạng thiếu việc làm còn phổ biến ở cả thành thị và nông thôn, các tệ nạn và tiêu cực chưa được đẩy lùi, hoạt động của hệ thống chính trị vẫn còn nhiều mặt hạn chế…
Trước những khó khăn, để đưa mọi hoạt động của tỉnh đi vào ổn định và phát triển, tỉnh vừa tập trung khắc phục những khó khăn trước mắt, vừa tiến hành kiện toàn hệ thống chính trị. Ngay tại thời điểm tái lập, căn cứ tình hình thực tiễn, Tỉnh ủy đã xác định lấy phát triển công nghiệp làm nền tảng; đẩy mạnh phát triển và nâng cao chất lượng các lĩnh vực dịch vụ, phát triển du lịch làm mũi nhọn; coi trọng phát triển nông nghiệp và nông thôn; từ đó có chính sách đúng, xác định bước đi thích hợp, tìm ra các giải pháp đột phá, tạo môi trường thuận lợi nhất để giải phóng sức sản xuất của mọi thành phần kinh tế, thu hút mạnh các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Sau 27 năm tái lập, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Vĩnh Phúc phấn khởi, tự hào trước những thành tựu đã đạt được trên các lĩnh vực.
2.1. Về kinh tế
Tốc độ tăng trưởng kinh tế: Từ khi tái lập tỉnh, kinh tế của tỉnh đã có sự thay đổi mạnh mẽ với nhiều thành tựu quan trọng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh qua các giai đoạn luôn đạt ở mức cao; đặc biệt có năm tăng trưởng kinh tế đạt trên 20%. Bình quân giai đoạn 1997-2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 13,42%/năm; năm 2024 ước đạt 7,52%, cao hơn tốc độ tăng bình quân chung của cả nước. Quy mô GRDP theo giá hiện hành của tỉnh ước đạt 173,14 nghìn tỷ đồng, tăng 15,66 nghìn tỷ đồng, tương đương tăng 10% so với năm 2023, đưa giá trị GRDP bình quân đầu người ước đạt 141,3 triệu đồng/người/năm (năm 1997 quy mô nền kinh tế mới chỉ đạt 1,95 nghìn tỷ đồng; giá trị GRDP bình quân đầu người đạt 2,18 triệu đồng theo giá hiện hành). Đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao.
Cơ cấu kinh tế: Cơ cấu kinh tế của tỉnh có sự tăng nhanh tỷ trọng khu vực có vốn đầu tư nước ngoài do chủ trương tập trung thu hút phát triển công nghiệp và đầu tư nước ngoài. Đồng thời, với chủ trương chuyển đổi, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước được triển khai mạnh mẽ nên tỷ trọng khu vực nhà nước giảm; khu vực ngoài nhà nước được quan tâm và hoạt động ngày càng hiệu quả. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, năm 2024 ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 62,37%; ngành dịch vụ chiếm 30,88%; ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 6,75% (năm 1997 cơ cấu kinh tế lần lượt là: 18,4%, 36,47%, 45,13%).
Thu, chi ngân sách: Từ một tỉnh phụ thuộc vào ngân sách Trung ương, đến nay Vĩnh Phúc là một trong số những tỉnh, thành có đóng góp cho ngân sách Trung ương. Năm 1997, kết quả thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh là 114 tỷ đồng; đến năm 2002 vượt mốc 1 nghìn tỷ đồng; từ năm 2004 Vĩnh Phúc đã tự cân đối được chi ngân sách và đóng góp, điều tiết cho ngân sách Trung ương; năm 2009 thu ngân sách vượt mốc 10 nghìn tỷ đồng; đến năm 2014 vượt 20 nghìn tỷ đồng; năm 2016 vượt mốc 30 nghìn tỷ đồng; đặc biệt năm 2022 đạt cao nhất hơn 40 nghìn tỷ đồng; năm 2024 ước đạt 30,468 nghìn tỷ đồng. Vĩnh Phúc được Trung ương đánh giá là một trong những tỉnh có đóng góp lớn cho ngân sách Trung ương trong nhiều năm qua.
Công tác quản lý chi ngân sách được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo theo dự toán. Thực hiện triệt để tiết kiệm, chống lãng phí ngay từ khâu xác định nhiệm vụ. Chi ngân sách hàng năm đảm bảo và phục vụ kịp thời nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong đó đặc biệt là chi đầu tư phát triển và chi sự nghiệp giáo dục, đào tạo, chính sách an sinh xã hội... tạo động lực thúc đẩy phát triển nhanh chóng hệ thống kết cấu hạ tầng cũng như phát triển nguồn nhân lực đáp ứng các nhu cầu phát triển. Tăng cường kiểm soát và nâng cao hiệu quả sử dụng các khoản vốn vay.
Công nghiệp, thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp: Tỉnh luôn xác định tâp tập trung phát triển công nghiệp, coi công nghiệp là nền tảng, động lực để phát triển. Chỉ số phát triển công nghiệp (IIP) tăng cao, liên tục qua các năm, ước năm 2024 tăng 11,3% so với năm 2023.
Xác định hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư là chìa khóa quan trọng để tỉnh phát triển. Từ khi tái lập tỉnh đến nay, Đảng bộ, chính quyền các cấp trong tỉnh đã có những hướng đi mang tính đột phá, trở thành “điểm sáng” của cả nước về thu hút đầu tư. Với phương châm “Các nhà đầu tư ở Vĩnh Phúc là công dân của Vĩnh Phúc, thành công của doanh nghiệp chính là thành công của tỉnh”, tỉnh đặc biệt chú trọng đến cải thiện môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh, trong đó coi trọng hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ bằng giải pháp quan tâm và giải quyết ngay các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp đang đầu tư tại tỉnh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; duy trì thực hiện tốt chương trình “Lãnh đạo UBND tỉnh gặp gỡ doanh nhân hàng tuần”; triển khai các nội dung hợp tác với tỉnh Chungcheongbuk (Hàn Quốc), tỉnh Pernik (Bungari), vùng Toscana (Italia), ký Bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với Công ty TNHH Signetics; tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư, lãnh đạo tỉnh đã tiếp và làm việc với nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đến tìm hiểu chính sách đầu tư, thủ tục đầu tư tại tỉnh, như: Tập đoàn Young Poong, Quỹ đầu tư META, Công ty Grandway Singapore...
Ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021- 2030, Đề án thu hút nhà đầu tư chiến lược đến đầu tư tại tỉnh đến năm 2030; xây dựng Đề án cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); ban hành các giải pháp cụ thể, tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án lớn, các dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp; hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách về thu hút đầu tư và quan tâm đầu tư hạ tầng trong và ngoài các khu công nghiệp... Từ chỗ chỉ có 1 khu công nghiệp với quy mô 50ha (khu công nghiệp Kim Hoa) vào năm 1998, đến nay, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 17 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích là 3.142,96 ha, trong đó 9 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, 3 khu công nghiệp đang triển khai xây dựng. Do đó, kết quả thu hút đầu tư của tỉnh tăng cao. Năm 1998 toàn tỉnh chỉ có 8 dự án FDI và 1 dự án DDI. Đến năm 2024, các khu công nghiệp có 495 dự án, gồm 119 dự án đầu tư DDI với tổng vốn đầu tư 38.882,61 tỷ đồng và 376 dự án FDI với tổng vốn đầu tư gần 6,8 tỷ USD; có 415 dự án đang hoạt động sản xuất kinh doanh (337 dự án FDI và 78 dự án DDI), chiếm 83,8% tổng số dự án đầu tư.
Một số nhà đầu tư chiến lược đứng đầu các chuỗi cung ứng như ô tô, xe máy, linh kiện điện tử trong và ngoài nước đã tìm hiểu môi trường đầu tư, bất động sản công nghiệp và có các đề xuất hỗ trợ, hợp tác về năng lượng, cam kết Netzero, đầu tư xanh với tỉnh Vĩnh Phúc như: Công ty Honda Việt Nam, Công ty Ô tô Toyota Việt Nam; chuỗi giá trị về sản xuất linh kiện, điện tử có Tổ hợp Samsung Việt Nam, Signetics Hàn Quốc và một số nhà đầu tư khác như Công ty Cổ phần T&Y SuperPort, Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam, Tập đoàn Sojitz, Tập đoàn Sumitomo, Tập đoàn Amanta, Tập đoàn Công ty cổ phần Y khoa Hoàn Mỹ... Những lĩnh vực này phù hợp với định hướng thu hút đầu tư của tỉnh, nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững và nâng cao giá trị gia tăng cho nền kinh tế địa phương. Đặc biệt, công ty Cổ phần Signetics đã chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn CNC Tech về việc triển khai dự án Nhà máy bán dẫn tại tỉnh Vĩnh Phúc với tổng mức đầu tư hơn 100 triệu USD; Công ty TNHH Polaris Việt Nam có tổng mức đầu tư hơn 40 triệu USD với mục tiêu tập trung sản xuất mô tô, xe máy, phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho ô tô, xe có động cơ khác đã chính thức khánh thành, công suất dự kiến khoảng 30.000 sản phẩm/năm. Đây là một bước đột phá trong việc phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao tại tỉnh, đồng thời mở ra nhiều cơ hội việc làm và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế toàn diện của tỉnh.
Cùng với việc đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, Tỉnh ủy, UBND tỉnh xác định nhân tố quan trọng để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững chính là các doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Do vậy, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp phù hợp với từng giai đoạn. Kết quả là sau 27 năm tái lập tỉnh, số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có những bước phát triển vượt bậc cả về số lượng, quy mô, cơ cấu và chất lượng. Nếu như năm 1997 tỉnh mới chỉ có 91 doanh nghiệp, vốn đăng ký 57 tỷ đồng thì lũy kế đến năm 2024, toàn tỉnh có hơn 17.000 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh với số vốn đăng ký trên 230 nghìn tỷ đồng. Các tập đoàn lớn trong nước như SunGroup, VinGroup, FLC, Hồng Hạc Đại Lải, Lạc Hồng… đã và đang triển khai những dự án có quy mô vốn đầu tư lớn, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tiểu thủ công nghiệp, làng nghề được quan tâm đầu tư phát triển. Hầu hết các làng nghề đều phát triển mạnh, phát huy tiềm năng, không ngừng cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhiều làng nghề truyền thống đã khẳng định được vị thế trên thị trường như: Làng nghề rắn Vĩnh Sơn; làng nghề đá Hải Lựu; các làng nghề mộc Thanh Lãng, Bích Chu, Thủ Độ; làng nghề mây tre đan Cao Phong... Sự phát triển của các làng nghề đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo và giải quyết việc làm cho một lượng lớn lao động ở nông thôn, chuyển từ lao động nông nghiệp sang làm nghề với mức thu nhập tăng cao.
Nông nghiệp: Tỉnh có nhiều cơ chế, chính sách, cách làm sáng tạo, đột phá, đi tiên phong trong cả nước như: Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 01-11-2002 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII về chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp giai đoạn 2001- 2005; Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 27-12-2006 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2006-2010, định hướng đến năm 2020... Sản xuất nông nghiệp của tỉnh ngày càng đa dạng về cơ cấu sản phẩm và loại hình tổ chức. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch mạnh theo hướng tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi và giảm tỷ trọng ngành trồng trọt. Chăn nuôi đã thực sự trở thành mũi nhọn, đột phá trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp; phương thức nuôi công nghiệp và bán công nghiệp dần thay thế phương thức chăn nuôi truyền thống. An ninh lương thực được đảm bảo, sản lượng lương thực có hạt không ngừng tăng qua các năm. Các cây trồng có giá trị kinh tế cao được phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa; các vùng sản xuất rau, quả hàng hóa tập trung đã và đang thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; cơ giới hóa được tăng cường áp dụng trong sản xuất. Tỉnh đã xây dựng được thương hiệu một số sản phẩm đặc trưng của địa phương như: Dưa chuột An Hòa (Tam Dương), su su Tam Đảo, thanh long ruột đỏ (Lập Thạch)...
Các lĩnh vực dịch vụ: Đều tăng trưởng, đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân. Kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh với sự tham gia của tất cả các thành phần kinh tế, chất lượng các dịch vụ nâng lên. Cơ sở hạ tầng phục vụ kinh doanh thương mại tiếp tục được đầu tư, mở rộng, chất lượng dịch vụ ngày càng cao đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng. Khối lượng lưu chuyển hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất và tiêu dùng nhân dân. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2024 ước đạt 80.773 tỷ đồng, tăng 11,04% so với năm 2023.
Lĩnh vực dịch vụ, du lịch đã khai thác lợi thế của tỉnh về các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tham quan, nghiên cứu lịch sử văn hoá và du lịch sinh thái kết hợp với tâm linh... Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 04-11-2011 về phát triển dịch vụ, du lịch giai đoạn 2011-2020. Công tác quảng bá du lịch Vĩnh Phúc được triển khai mạnh mẽ thông qua nhiều hình thức, nhất là trên các nền tảng số như quảng bá trên Amazing Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Tạp chí Du lịch, báo đài trung ương và địa phương, các hội chợ, hội thảo; nhiều chương trình, sự kiện văn hóa, du lịch để kích cầu du lịch được tổ chức như: ngày hội du lịch Xuân 2024 với chủ đề “Kết nối di sản để phát triển du lịch”; chào hè Vĩnh Phúc; chương trình Dấu ấn mùa đông - thị trấn Tam Đảo 120 năm hình thành và phát triển; phối hợp với tỉnh Thái Nguyên, Phú Thọ tổ chức hội nghị xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch; tổ chức Lễ hội đường phố LALA TOWN tại Flamingo Đại Lải Resort... Đến năm 2024, trên địa bàn tỉnh có 25 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, trong đó có 07 đơn vị có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế và 18 đơn vị có giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa.
Hạ tầng phục vụ du lịch như các tuyến đường giao thông kết nối các khu du lịch, các khách sạn tiêu chuẩn, các khu nghỉ dưỡng đã và đang được tập trung đầu tư, từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ. Hạ tầng phát triển du lịch được chú trọng, lập quy hoạch chi tiết 3 khu du lịch dịch vụ trọng điểm của tỉnh gồm: Khu du lịch Tam Đảo I, Khu phía Tây - khu du lịch Đại Lải và Khu danh thắng Tây Thiên. Đã hoàn thiện quy hoạch: Khu dịch vụ, du lịch và đô thị phía Bắc hồ Đại Lải; khu vực núi Sáng, hồ Bò Lạc, hồ Vân Trục là cơ sở quan trọng tạo tiền đề để thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch dịch vụ. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số khu du lịch có tầm cỡ quốc gia như Tam Đảo, Flamingo Đại Lải Resort, Khu di tích danh thắng - lễ hội Tây Thiên, Sông Hồng Resort, Paradise Đại Lải Resort... Năm 2024, số lượng khách tham quan đến tỉnh ước đạt 10,5 triệu lượt, trong đó có 90 nghìn lượt khách quốc tế; tổng doanh thu ước đạt 4 nghìn tỷ đồng.
Dịch vụ vận tải có những chuyển biến tích cực cả về số lượng và chất lượng phục vụ. Cơ sở hạ tầng giao thông được đầu tư nâng cấp; mạng lưới xe buýt được hình thành, kết nối với thành phố Hà Nội và đến tất cả các huyện, thành phố trong tỉnh. Hoạt động bưu chính - viễn thông tiếp tục phát triển nhanh, chất lượng ngày càng tốt đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu về dịch vụ viễn thông, Internet, thuê kênh… Mạng điện thoại cố định đã phủ tới 100% các xã, thôn. Đến nay, 100% thuê bao Internet trên địa bàn tỉnh là Internet băng rộng. Mạng thông tin di động 4G đã phủ 100% địa bàn các khu dân cư trên địa bàn tỉnh; di động mạng 5G được phát triển tại nhiều địa phương trong tỉnh.
Các dịch vụ tài chính, tín dụng phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng. Công tác huy động vốn được thực hiện tốt. Các ngân hàng và tổ chức tín dụng đã mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, chất lượng tín dụng, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế. Ươc năm 2024, tổng nguồn vốn huy động đạt 142,6 nghìn tỷ đồng, tăng 12,98% so với năm 2023; nợ xấu còn 1,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 1,05%.
Quy hoạch phát triển đô thị, xây dựng nông thôn mới và phát triển cơ sở hạ tầng: Việc phát triển đô thị và nông thôn đạt được thành quả quan trọng. Toàn tỉnh đã có gần 30 đô thị; trong đó, thành phố Vĩnh Yên là đô thị loại II, thành phố Phúc Yên là đô thị loại III. Đã xây dựng các không gian công cộng của đô thị phục vụ sinh hoạt cộng đồng dân cư: Khu công viên quảng trường Hồ Chí Minh; Khu vườn hoa trước cổng UBND thành phố Vĩnh Yên; Khu công viên Đồi Cao (Bảo tàng tỉnh); công viên 29/12 (Vĩnh Yên); khu công viên Văn Miếu tỉnh; khu quảng trường thành phố Phúc Yên; sân vận động thành phố Phúc Yên, khu du lịch hồ Đại Lải; khu công viên trung tâm Thị trấn Tam Đảo...
Năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh Vĩnh phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tỉnh đã hoàn thiện hồ sơ quy hoạch tỉnh phù hợp với Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ và xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh trình cấp có thẩm quyền xem xét theo quy định. Phê duyệt các đồ án quy hoạch chung đô thị loại IV Vĩnh Tường; quy hoạch chung đô thị loại IV Bình Xuyên; quy hoạch xây dựng vùng huyện Yên Lạc; quy hoạch chung đô thị Tam Đảo đến năm 2040; quy hoạch chung thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo đến năm 2030; quy hoạch chung thành phố Phúc Yên; lập Chương trình tổng thể xây dựng và phát triển đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (điều chỉnh lần 2); lập Đề án phát triển bền vững đô thị tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; chương trình phát triển đô thị Bình Xuyên, Vĩnh Tường. Tỷ lệ đô thị hóa năm 2024 ước đạt 48,50%.
Chương trình xây dựng nông thôn mới được đặc biệt quan tâm, đạt những kết quả quan trọng. Năm 2019, đã có 112/112 xã đạt chuẩn nông thôn mới; có 2 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (Yên Lạc và Bình Xuyên), 2 thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (Vĩnh Yên và Phúc Yên). Dự kến đến hết năm 2024, toàn tỉnh có 200 thôn đạt nông thôn mới kiểu mẫu, 13 thôn đạt chuẩn nông thôn mới thông minh, 42 xã đạt nông thôn mới nâng cao, 12 đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu, 01 huyện đạt nông thôn mới nâng cao (huyện Yên Lạc); có 141 sản phẩm OCOP đạt chất lượng từ 3 sao trở lên.
Hệ thống cơ cở hạ tầng thiết yếu của tỉnh đã được cải thiện một cách rõ rệt. Hạ tầng giao thông đã có sự phát triển vượt bậc. Tỉnh có mạng lưới giao thông khá phát triển với 3 loại hình: giao thông đường bộ, đường sắt, đường sông. Hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh phân bố hợp lý, mật độ đường giao thông cao. Giao thông đường bộ có tuyến đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai qua địa bàn tỉnh chiều dài 41 km; 4 tuyến Quốc lộ (QL) gồm: QL2, QL2B, QL2C và QL2 tránh thành phố Vĩnh Yên với tổng chiều dài 119 km, quy mô đường cấp IV đồng bằng đến đường đô thị cấp II, mặt đường đã được thảm nhựa 100%. Hệ thống điện được phát triển theo quy hoạch phát triển của ngành Điện lực. Đến nay 100% xã trên địa bàn tỉnh được phủ lưới điện quốc gia và 100% các hộ dân được dùng điện lưới. Năm 2024, tỷ lệ dân cư đô thị loại IV trở lên được cung cấp nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung đạt 95,0%. Hạ tầng thủy lợi được tập trung đầu tư. Các công trình tưới, tiêu của tỉnh đã được đầu tư hoàn thành đưa vào sử dụng, cơ bản đáp ứng được nhiệm vụ tưới tiêu. Hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển. Các công trình hạ tầng xã hội được quan tâm đầu tư, nhất là trường học, cơ sở y tế, nhà văn hóa. Một số công trình văn hóa, phúc lợi được tập trung đầu tư xây dựng trong thời gian ngắn đã góp phần thay đổi diện mạo, cảnh quan đô thị, đồng thời nâng cao hiệu quả đầu tư.
2.2. Về văn hóa-xã hội
Giáo dục và Đào tạo: Trong những năm đầu tái lập tỉnh, ngành giáo dục và đào tạo gặp nhiều khó khăn, thách thức, đội ngũ giáo viên của tỉnh còn thiếu, cơ sở vật chất trường, lớp còn nghèo nàn, lạc hậu (năm học 1998-1999 toàn tỉnh mới có 37% phòng học cao tầng). Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã có nhiều cơ chế, chính sách phát triển giáo dục và đào tạo. Giáo dục và đào tạo của tỉnh đã phát triển theo hướng đổi mới, chất lượng được giữ vững, ổn định ở mức cao. Mạng lưới các cơ sở giáo dục và đào tạo của tỉnh đã và đang được hoàn thiện, phát triển, phân bố đều khắp các xã, phường, thị trấn trên địa bàn các huyện, thành phố trong tỉnh, được trang bị cơ sở vật chất kỹ thuật ngày càng hiện đại. Công tác xã hội hóa giáo dục được chú trọng, phương thức đào tạo ngày càng được mở rộng, góp phần nâng cao trình độ dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của nhân dân. Tỷ lệ phòng học kiên cố bậc mầm non đạt hơn 90%, bậc tiểu học và trung học cơ sở đạt hơn 98%, bậc trung học phổ thông đạt 100%. Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia được quan tâm, năm 2024, có 73,62% số trường mầm non, 68,49% trường tiểu học, 71,23% trường trung học cơ sở; 68,72% trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia.
Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên được bổ sung đủ về số lượng, cân đối về cơ cấu, trình độ chuyên môn nghiệp vụ được nâng cao... Chất lượng dạy và học ở các cấp tiếp tục được nâng lên; hai năm liên tiếp (năm học 2022-2023, 2023-2024) tỉnh Vĩnh Phúc đứng thứ nhất toàn quốc về điểm trung bình chung các môn thi tốt nghiệp THPT; học sinh của tỉnh luôn đạt thứ hạng cao trong các cuộc thi cấp quốc gia, khu vực và quốc tế. Vĩnh Phúc luôn được đánh giá là một trong những tỉnh, thành có chất lượng giáo dục tốt nhất cả nước. Phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được thực hiện tốt. Việc phân luồng học sinh sau trung học cơ sở được khẳng định là chủ trương đúng và đạt kết quả tốt...
Y tế: Chăm sóc sức khỏe nhân dân được đặc biệt quan tâm. Mạng lưới y tế cơ sở được củng cố, hoàn thiện theo chuẩn quốc gia. Hạ tầng y tế được quan tâm đầu tư xây mới, cải tạo, sửa chữa nhăm nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng phục vụ người bệnh. Nhiều công trình y tế lớn được đầu tư xây dựng, hoàn thành và đưa vào sử dụng đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của Nhân dân, như: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh, Trung tâm y tế huyện Tam Đảo, Vĩnh Tường, Sông Lô, Yên Lạc, Lập Thạch, thành phố Phúc Yên... Mạng lưới y tế cơ sở tiếp tục được củng cố và hoàn thiện; 100% trạm y tế xã có bác sỹ và đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã. Ước đến năm 2024, số bác sỹ/vạn dân đạt tỷ lệ 16,9 bác sỹ/vạn dân; số giường bệnh/vạn dân đạt tỷ lệ 43,6 giường bệnh/vạn dân; 95,6% người dân được theo dõi, quản lý sức khoẻ; tỷ lệ dân số có bảo hiểm y tế đạt hơn 95%.
Công tác phòng, chống dịch bệnh được triển khai mạnh mẽ và chủ động, đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ, giám sát dịch tễ. Kịp thời kiểm soát, ngăn chặn, đẩy lùi dịch Covid-19 trên địa bàn. Các chương trình mục tiêu như: tiêm chủng mở rộng, chương trình sức khỏe sinh sản, phòng chống suy dinh dưỡng, chương trình phòng chống các bệnh lây nhiễm, các bệnh không lây, bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng, y tế học đường, chương trình dân số kế hoạch hóa gia đình, phòng chống HIV tiếp tục được duy trì, triển khai hiệu quả.
An sinh xã hội: Thường xuyên được quan tâm, có nhiều chuyển biến tích cực và đạt kết quả, hiệu quả thiết thực. Hệ thống an sinh xã hội ngày càng đồng bộ và hoàn thiện với diện bao phủ không ngừng được mở rộng. Các đề án, chính sách dân tộc cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh được quan tâm chỉ đạo thường xuyên. Đến cuối năm 2011, tỉnh đã cơ bản xoá xong nhà tạm cho hộ nghèo, không có hộ nghèo thuộc đối tượng chính sách, người có công. Đến năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn tiếp cận đa chiều) toàn tỉnh giảm còn 0,44%, không có hộ nghèo thuộc đối tượng gia đình chính sách, người có công; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 95,8%; tỷ lệ lực lượng trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội đạt 45,52%; tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt 39,5%.
Các hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá dân tộc được quan tâm: Vĩnh Phúc có 1 bảo vật quốc gia (Tháp gốm men chủa Trò); 4 di tích xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (di tích lịch sử văn hóa và danh làm thắng cảnh Tây Thiên-Tam Đảo, di tích kiến trúc nghệ thuật Tháp Bình Sơn-Sông Lô, di tích kiến trúc nghệ thuật đình Thổ Tang-Vĩnh Tường, cụm di tích đình Hương Canh-Bình Xuyên); 3 loại hình di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh vào danh sách của UNESCO (Hát ca trù, di sản Kéo song Hương Canh, Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt); 7 di sản được đưa vào danh mục si sản văn hóa phi vật thể quốc gia (hát ca trù, hát Soọng cô của người Sán Dìu, hát trống quân Đức Bác, Lễ hội đền Ngự Dội, tín ngưỡng thờ Mẫu Tây Thiên và Lễ hội đền Ngự Dội). Các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể mang đậm bản sắc văn hóa Vĩnh Phúc đã được nghiên cứu, sưu tầm và từng bước được hệ thống hóa, bảo tồn, phát huy.
Phong trào xây dựng gia đình văn hóa - làng văn hoá ngày càng hiệu quả. Nhiều công trình văn hóa, tín ngưỡng phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân được tu bổ, tôn tạo. Công tác tổ chức và quản lý lễ hội trên địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực, đảm bảo đúng nghi lễ, hình thức phù hợp, phát huy được các giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều trò chơi, trò diễn dân gian truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa được khôi phục như: vật dân tộc, cờ người, kéo co… Một số lễ hội phát huy tốt công tác xã hội hóa, nâng cao quy mô thu hút khách tham quan trong và ngoài nước như: Lễ hội Tây Thiên, Lễ hội Chọi trâu Hải Lựu…
2.3. Về quốc phòng, an ninh
Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Thực hiện tốt các kế hoạch, chiến lược của Đảng về quốc phòng; kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng, an ninh và kinh tế. Tỉnh chú trọng công tác quy hoạch và xây dựng thế trận quân sự, quốc phòng ngày càng vững chắc, hệ thống công trình phòng thủ liên hoàn, rộng khắp, có trọng tâm, trọng điểm, với hệ thống các đường hầm, công trình phụ trợ, đường cơ động, thao trường huấn luyện tổng hợp, trận địa pháo phòng không ngày càng đầy đủ, hợp thành hệ thống phòng thủ của Quân khu 2 và cả nước. Chỉ đạo tổ chức tốt các cuộc diễn tập khu vực phòng thủ cấp tỉnh, đặc biệt năm 2009 diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh làm điểm cho toàn quốc tham quan, học tập kinh nghiệm; công tác tuyển quân hàng năm đạt 100% chỉ tiêu.
Công tác đấu tranh chống âm mưu, hoạt động "diễn biến hòa bình" và chống phá của thế lực thù địch được chú trọng. Trong thời gian qua, đã chủ động nắm chắc tình hình thực tế của địa phương, kịp thời đề ra các biện pháp nhằm đấu tranh có hiệu quả với hoạt động “diễn biến hòa bình” và chống phá của các thế lực thù địch; không để xảy ra điểm nóng, đột xuất, bất ngờ về an ninh trật tự. Công tác xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện được triển khai đồng bộ. Công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc phát huy hiệu quả; việc xây dựng, củng cố các mô hình, điển hình tiên tiến trong các phong trào ở địa bàn cơ sở được quan tâm. Thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân được tăng cường.
2.4. Về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị
Công tác xây dựng Đảng được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện toàn diện, đồng bộ, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm. Phương thức lãnh đạo của Đảng tiếp tục đổi mới, ngày càng toàn diện, sâu sắc và hiệu quả. Các chỉ tiêu xây dựng đảng và hệ thống chính trị đều đạt và vượt mục tiêu Đại hội đề ra.
Công tác tư tưởng góp phần tạo sự đoàn kết trong Đảng, đồng thuận trong Nhân dân. Hệ thống tổ chức đảng ngày càng được phát triển, củng cố, kiện toàn, khi mới tái lập tỉnh có 474 tổ chức cơ sở đảng với 3,7 vạn đảng viên, đến nay đã có 604 tổ chức cơ sở đảng với 7,7 vạn đảng viên; đặc biệt, đã tăng cường, chú trọng phát triển các tổ chức đảng trong doanh nghiệp, đảng viên là học sinh, sinh viên. Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đổi mới theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, không có “vùng cấm”. Công tác dân vận đổi mới theo hướng sát dân, sát cơ sở theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí được chỉ đạo triển khai quyết liệt, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị các cấp vững mạnh, trong sạch. Thực hiện tốt việc đối thoại, tiếp dân giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân.
Công tác xây dựng chính quyền, phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội thường xuyên được đổi mới và đi vào thực chất. Quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được tăng cường, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp được nâng lên; công tác cải cách tư pháp chuyển biến tích cực. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng đã có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động; thể hiện sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Với những thành tích xuất sắc đạt được, từ khi tái lập tỉnh đến nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Vĩnh Phúc vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất năm 2007, Huân chương Hồ Chí Minh năm 2010, Huân chương Độc lập hạng Nhất (lần 2) năm 2015, Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2017, chương Lao động hạng Nhất năm 2020 (lần 2) và nhiều phần thưởng cao quý khác.
***
Trong 75 năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã cùng với cả nước trải qua nhiều giai đoạn lịch sử. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc dù ở giai đoạn nào cũng luôn phát huy truyền thống, tranh thủ lợi thế, khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, đạt được những thành tựu quan trọng, toàn diện trên mọi lĩnh vực. Đó là tiền đề để Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục xây dựng quê hương Vĩnh Phúc “Thành một trong những tỉnh giàu có, phồn vinh nhất ở miền Bắc nước ta” như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người về thăm tỉnh năm 1963.
Nguồn: BTGTU